Saturday, March 16, 2013

Đại gia bung tiền "săn" nhà gỗ

Săn lùng nhà gỗ cũ mang về tân trang, phục dựng  để ở hoặc bán nguyên căn hay từng phần đang là nghề mới của nhiều "đại gia" trong lúc thị trường bất động sản đang "chết lâm sàng".   Nhiều người không ngại tung tiền thuê cả đội quân đi "săn" nhà gỗ ở khắp nơi. Thú chơi nhà gỗ  đang "nóng" trở lại.
Theo giới kinh doanh đồ gỗ, chỉ cần khách hàng chịu chi, bất cứ kiểu nhà nào, từ nhà sàn cổ của các dân tộc vùng cao Tây Bắc, Tây Nguyên đến nhà kẻ truyền (kiểu Bắc bộ), nhà rường Huế hay nhà rường Nam bộ đều có.
"Canh me" săn nhà gỗ
Anh Phạm Lương Giang, Giám đốc Trung tâm nhà gỗ Trường Giang (ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) kể, thời điểm trước năm 2000, ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng nông thôn, nhà của người dân phần lớn được làm bằng gỗ. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh tế khá lên, nhiều người bắt đầu phá nhà gỗ thay thế bằng nhà xây kiên cố.
Những ngôi nhà gỗ cũ kỹ đang là tầm ngấm của nhiều " đại gia"
Loại gỗ được người dân sử dụng làm nhà và các vật dụng trang trí nội thất như bàn, tủ, giường, thậm chí nọc tiêu hầu hết là căm xe, bình minh. Đặc tính của chúng rất cứng, bền, không bị mối mọt, chịu được mưa nắng. “Với nghề của người kinh doanh đồ gỗ, nhìn thấy những cây cột, tấm ván lớn bị người dân chẻ ra làm củi đốt, tôi rất tiếc và nảy ra ý định mua lại”, anh Giang nói.
Nhiều tay mua bán đồ gỗ khác cũng đổ xô về các tỉnh săn lùng ráo riết. Nguồn nhà gỗ trên địa bàn tỉnh cạn dần nhưng nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn, giới săn đồ gỗ phải mở rộng địa bàn bằng cách trực tiếp “nằm vùng” hoặc huy động “chân rết” săn lùng nguồn hàng ở các tỉnh lân cận như: Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, hay ở tận các buôn làng Tây Nguyên, miền Trung thậm chí các tỉnh Tây Bắc… cho tới khi “tăm” được hàng.
 Nhà gỗ vùng sâu dần dần biến mất  
Anh Phạm Văn Trí, chủ cơ sở kinh doanh gỗ TN, ở quận 9 có hơn 20 năm kinh doanh đồ gỗ nhưng mới bắt đầu mua bán nhà gỗ cũ từ năm 2009 cho biết, ban đầu anh cũng tìm kiếm nguồn hàng ở vùng Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận) nhưng mẫu nhà ở những địa phương này không độc đáo nên anh chuyển hướng lên Tây Nguyên.
Từ TP.Buôn Ma Thuột, anh thuê phòng nghỉ rồi dùng xe máy rảo khắp các huyện của tỉnh Đắc Lắc, xuống Đắc Nông hoặc lên Gia Lai vào những vùng tập trung đông đồng bào dân tộc, nghe ngóng tin tức nhà nào sắp xây, nhà nào đang cần tiền, gợi ý mua gỗ quý, ngã giá... Mỗi chuyến đi không cứ dài ngắn mà cốt mua đầy chiếc xe tải 8 tấn thì lên đường về xuôi.
Sửa chữa và phục dựng nhà gỗ
Tiết kiệm chi phí hơn, con trai anh Dung là Phạm Văn Bằng lại thuê phòng trọ và góp tiền nấu ăn chung với một nhóm sinh viên đang theo học Đại học Tây Nguyên để “nằm vùng” săn nhà gỗ. “Nhà sàn của đồng bào dân tộc Ê-đê rất đẹp, kiến trúc cân đối, thoáng mát và thường làm bằng các loại gỗ như gõ mật, muồng đen, cà chích. Những loại gỗ này có hoa văn đẹp, độ bền hàng trăm năm, muốn mua được những ngôi nhà này phải ở trong khu dân cư mới dễ tìm mối hàng”, anh Bằng lý giải.
Vô giá
Nếu như các loại gỗ nhập khẩu, gỗ mới có giá cả trên thị trường rõ ràng thì gỗ cũ, nhà cũ không có bất cứ biểu giá nào. Người mua định giá dựa vào loại gỗ và kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong nhiều trường hợp, biết chủ nhà cần tiền gấp hoặc không hiểu biết về giá trị của vật liệu gỗ, người mua sẽ ép giá.
Có thể mua bán từng phần của ngôi nhá
Tương tự, nhà cũ sau khi được tỉa tót, tân trang bán ra cũng không có biểu giá nhất định vì nó còn phụ thuộc vào các yếu tố chất liệu của từng loại gỗ, công tháo dỡ, chi phí vận chuyển... đôi khi cũng theo kiểu “xem mặt đặt giá”. “Cách đây khoảng 10 năm, khi nhà xây mọc lên nhiều hơn, có nhiều ngôi nhà gỗ bán rẻ như cho vì gỗ tháo ra từ căn nhà cũ người dân chỉ dùng để đóng các vật dụng lặt vặt hoặc làm củi, có người hỏi mua là mừng lắm rồi”, anh Huỳnh Văn Đạt, chủ cơ sở kinh doanh đồ gỗ cũ ở Hóc Môn cho biết
Theo anh Đạt, sau khi mua về, tùy loại nhà, chất gỗ, với những ngôi nhà còn nguyên vẹn chỉ cần “mông má” lại chút đỉnh, lắp ghép bán cho khách. Với những ngôi nhà đã bị hư hại nhiều, không thể phục dựng nguyên trạng, người mua xả ra bán từng phần… Thời điểm đó nhiều ông chủ bỏ túi vài chục đến hàng trăm triệu đồng/căn nhà là chuyện bình thường.
Tuy vậy, những năm gần đây giá cả leo thang, lãi suất vay ngân hàng cao, một ngôi nhà làm ra không bán được nhưng vẫn phải trả lãi vay hàng tháng, nên số lời không còn nhiều như trước.
Hiện nay, không chỉ các khu du lịch, nhà hàng, resort cao cấp có xu hướng dựng những công trình kiến trúc gỗ, đồ sộ từ chất gỗ quý mà nhiều người dân cũng có nhu cầu này. Theo giới kinh doanh nhà gỗ, hiện nay nguồn nhà gỗ ít dần.
Một trong những ngôi nhà gỗ được phục dựng của một "đại gia" ở quận 7
Ở những nơi còn sót lại những ngôi nhà gỗ lớn, chính quyền địa phương khuyến khích người dân giữ lại nhằm bảo tồn nếp nhà truyền thống của dân tộc. Muốn có sẵn những mẫu nhà “độc” phục vụ khách, người kinh doanh phải huy động thêm “chân rết”, mở rộng địa bàn tìm kiếm và phải trường vốn mới thực hiện được điều này.
Theo giới kinh doanh nhà gỗ, vì thiếu vốn nên hiện nay hầu hết các cơ sở kinh doanh gỗ chỉ có sẵn những ngôi nhà bình dân giá vài trăm triệu đồng. Nhưng họ cũng khẳng định, chỉ cần khách hàng chịu chi, bất cứ kiểu nhà nào, từ nhà sàn cổ của các dân tộc vùng cao Tây Bắc, Tây Nguyên có tuổi thọ từ vài chục năm tới vài trăm năm; từ kiểu nhà kẻ truyền (kiểu Bắc bộ) đến nhà rường Huế hay nhà rường Nam bộ làm bằng các loại gỗ chò, táu, nghiến, lim, pơmu đều có.
Bảo Trân

1 comment:

  1. Cần bán 1 khung nhà gỗ cổ 100 năm tuổi tại Quảng Ngãi
    ĐT :090 272 0589
    Gặp c.Thanh Tuyền

    ReplyDelete